Việt Nam sẽ phát triển các mô hình đô thị tiên tiếnĐây là nhận định của Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về định hướng phát triển đô thị trong tương lai của Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như định hướng phát triển đô thị Việt Nam, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng.Đây là nhận định của Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về định hướng phát triển đô thị trong tương lai của Việt Nam. Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như định hướng phát triển đô thị Việt Nam, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng.
Thưa Thứ trưởng, trong những năm qua, Việt Nam đạt tốc độ đô thị hóa cao nhưng cũng đồng thời tạo nhiều sức ép cho đô thị. Bộ Xây dựng nhìn nhận những tồn tại của đô thị Việt Nam như thế nào? - Đô thị hóa là xu thế tất yếu trong qúa trình phát triển của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ, phát triển đô thị tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển đô thị còn tự phát, phong trào, không theo quy hoạch và kế hoạch. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Công tác quy hoạch giao thông và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra thường xuyên. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải, nước thải chưa được xử lý… Đây là những thách thức lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của dân cư. Ngoài ra, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trước hết là do công tác quy hoạch còn thiếu, chậm và có chất lượng chưa tốt so với yêu cầu phát triển, thiếu kế hoạch cho phát triển đô thị. Việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế... Theo Thứ trưởng, đâu sẽ là những giải pháp hữu hiệu để có thể khắc phục những tồn tại vừa nêu trên? - Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chương trình phát triển đô thị quốc gia đặt ra mục tiêu rất rõ là từng bước hình thành, phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường; Chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển... Trước mắt, tập trung huy động các nguồn lực trong đó có ngân sách Nhà nước, vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa... để ưu tiên phát triển các đô thị có tiềm năng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng để giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các đô thị lớn. Tiếp theo là tăng cường khả năng kết nối giữa các đô thị, bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội, kiến trúc cảnh quan, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, tạo môi trường sống tốt hơn cho cư dân các đô thị, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh... tiến tới xóa dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Để cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp nêu trên, Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2012 - 2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia với yêu cầu lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển đô thị; Nghiên cứu mô hình quản lý phù hợp và chú trọng nâng cao năng lực quản lý của chính quyền trong quản lý phát triển đô thị; Nghiên cứu xây dựng cơ chế và chủ động tích cực trong việc huy động đa nguồn lực cho phát triển đô thị. Mới đây, Nghị định Quản lý đầu tư phát triển đô thị do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai thực hiện Nghị định sẽ góp phần lập lại trật tự trong phát triển đô thị, khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đô thị sẽ được phát triển theo quy hoạch và kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng phát triển tự phát, phong trào, khai thác tài nguyên đất không hiệu quả và những tồn tại của đô thị hiện nay. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì, điều phối thực hiện các dự án nâng cấp đô thị cho 6 đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chuẩn bị triển khai nâng cấp 4 đô thị miền núi phía Bắc do Ngân hàng thế giới tài trợ. Triển khai thực hiện chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, Bộ Xây dựng đang rà soát, đưa vào danh mục các đô thị cần nâng cấp trong giai đoạn tới để huy động các nguồn vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động xác định và bố trí nguồn vốn cho công tác nâng cấp đô thị tại địa phương mình. Thực tế ở các địa phương, chất lượng, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị đang đặt ra yêu cầu lớn cần phải đáp ứng, nếu không sẽ dẫn đến nhiều bất cập. Bộ Xây dựng nhìn nhận vấn đề này như thế nào? - Để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển đô thị, một trong những giải pháp quan trọng là đảm bảo số lượng và nâng cao năng lực quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị chính quyền địa phương các cấp để đáp ứng yêu cầu quản lý. Xác định được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý đô thị các cấp, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 1961 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 - 2015” và “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2020” đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt ngày 13/9/2012. Theo Đề án 1961 và “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011 – 2020”, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, bảo đảm 100% công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức trong diện quy hoạch lãnh đạo đô thị từ loại V trở lên, công chức lãnh đạo, chuyên môn các cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp quản lý xây dựng và phát triển đô thị được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng tôi tin tưởng các đơn vị đào tạo của ngành, nhất là các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng sẽ nỗ lực và thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm, phối hợp và tham gia tích cực với Bộ trong việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị của địa phương. Hướng đến phát triển bền vững, Việt Nam có những định hướng gì cho phát triển đô thị trong tương lai, thưa Thứ trưởng?
- Phát triển bền vững các đô thị Việt Nam là một nội dung quan trọng của “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2012. Theo đó, hệ thống đô thị Việt Nam có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; Có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; Có kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với từng giai đoạn phát triển chung của đất nước. Phát triển đô thị Việt Nam bền vững, ổn định dựa trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp; Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, cân bằng sinh thái. Do đó, những định hướng của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển các mô hình đô thị tiên tiến trên thế giới như đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị cân bằng, đô thị thông minh… mà ở đó con người là trung tâm của sự phát triển. Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện phát triển các loại hình đô thị tiên tiến này ở Việt Nam thông qua công tác quy hoạch, kiến trúc và xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng xanh, công trình xanh, đô thị xanh, sử dụng vật liệu không nung, vật liệu thích hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm trong các công trình xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp cận, áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - công nghệ trong phát triển đô thị, để đảm bảo đô thị Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc và phát triển bền vững. Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Lượt xem: 1817 - Cập nhật lần cuối: 06/02/2013 01:22:44 AM
Các tin mới hơn:
Đối tác - Khách hàng | Video clip Tin nổi bật
|